Hiệu quả triển khai kĩ thuật mới trong điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em

Trong những năm ngày đây số lượng bệnh nhi đến điều trị rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ tại bệnh viện PHCN Hà Tĩnh ngày càng đông, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhi góp phần giúp các cháu nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng bệnh viện đã triển khai kỹ thuật mới là Hào châm, nhĩ châm phối hợp các kỹ thuật phục hồi chức năng.

Để triển khai kĩ thuật mới đạt hiệu quả cao, bệnh viện đã cử 02  bác sĩ có  tham gia lớp đào tạo chuyên sâu về châm cứu nhi. BS. Quỳnh Anh- bác sỹ được đào tạo về châm cứu nhi cho biết sau 2 tháng triển khai dịch vụ châm cứu (hào châm, nhĩ châm) cho trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn ngôn ngữ đã có những hiệu quả tích cực.

Cụ thể, cháu N.A.Q (4 tuổi) ở Thạch Kim, Hà Tĩnh là một trong số những trường hợp được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý . Ông N.V.H là ông ngoại của cháu Q chia sẻ: Trước khi đưa cháu đến điều trị tại bệnh viện, ông đã rất lo lắng vì thấy cháu không được như những đứa trẻ khác, cháu chỉ nói vài từ đơn, hay múa tay múa chân, chạy phá không ngừng; hơn nữa cháu bị rối loạn giấc ngủ và chế độ ăn uống (không ăn cơm liên tục trong 5 ngày và chỉ ăn những thứ cháu thích). Nhưng sau gần 2 tháng điều trị kết hợp giữa can thiệp âm ngữ trị liệu và châm cứu, hiện tại ông rất vui khi cháu Q đã nói được câu dài, hiểu và chú ý hơn, giảm tăng động, đặc biệt không còn rối loạn giấc ngủ, cháu có thể ngủ ngon đến sáng mà không bị tỉnh giấc, việc ăn uống của cháu đã cải thiện rất nhiều, cân nặng tăng lên đáng kể.

Hình ảnh cháu N.A.Q (4 tuổi) ở Thạch Kim, Hà Tĩnh được thực hiện kĩ thuật châm cứu

 Theo KTV Đoàn Thị Ái - giáo viên âm ngữ trị liệu cho biết thêm: Sau 2 tháng bệnh viện triển khai kết hợp châm cứu cho trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý…chúng tôi nhận thấy các em có sự tiến triển tốt hơn. Qua đánh giá trước và sau quá  trình điều trị các bệnh nhi có nhiều tiến triển rõ như: Khả năng phối hợp mắt-tay; giác quan-vận động; ngữ nghĩa diễn đạt  và hành vi được cải thiện đáng kể.

Có thể thấy, phương pháp điều trị mới bằng các kỹ thuật châm cứu góp phần mở rộng cơ hội can thiệp, điều trị, phục hồi chức năng cho các bệnh nhân nhi, đồng thời mở ra cơ hội cho trẻ sớm hòa nhập cộng đồng, trở lại cuộc sống bình thường. Và để đạt được điều đó, trẻ cần được phát hiện, chẩn đoán sớm, và được các chuyên gia đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

Thùy Linh

Bài viết liên quan: